Hội thảo Gặp gỡ mùa thu 2020 “Kiến trúc ứng phó với thiên tai”

22/04/2021 bởi adm@adm

Trong những năm gần đây, bão, lũ, sạt lở, hạn hán… diễn ra ở nước ta bất thường, không theo quy luật, với cường độ, tần suất ngày càng tăng và mức độ tàn phá ngày càng nặng nề hơn. Đặc biệt, đối với các khu vực dễ bị tổn thương như vùng ven biển, cửa sông, khu vực đất thấp, vùng núi cao, hải đảo,… nơi chịu ảnh hưởng trực tiếp của thiên tai, nơi dễ nhận biết sự biến đổi khí hậu toàn cầu.

Vùng ven biển Việt Nam, đặc biệt là tại khu vực miền Trung là không gian với nhiều tiềm năng và cơ hội để tạo ra các hoạt động kinh tế năng động, tạo ra cơ hội việc làm, và theo đó là cơ hội thu hút các nguồn nhân lực, phát triển dân cư và tăng trưởng kinh tế. Chính bởi điều kiện cơ hội này, mà tốc độ đô thị hóa của khu vực ven biển trong những năm gần đây, đang có chỉ số nhanh nhất cả nước. Phát triển kinh tế với tốc độ tăng trưởng cao, đặc biệt phát triển nóng về du lịch. Song, đây lại chính là những khu vực chịu ảnh hưởng và bị đe dọa lớn nhất về thiên tai, bão lũ cũng như nước biển dâng do biến đổi khí hậu.

Thực tế, những trận bão lớn chưa từng có trong lịch sử liên tiếp xảy ra kéo theo lũ lụt, sạt lở, ở miền Trung trong tháng 9, tháng 10 năm 2020, đã gây ra tổn thất to lớn về của cải vật chất và mất mát đau thương về con người, là minh chứng rõ nhất về sự gia tăng rủi ro và tổn thất do thiên tai ở khu vực ven biển. Riêng đợt lũ vừa qua đã thiệt hại ước tính 30.000 tỷ đồng; Với 249 người chết, 57 người mất tích, hơn 1.500 ngôi nhà bị sập đổ; gần 240.000 ngôi nhà khác bị hư hỏng, tốc mái; 165 km đê biển, cửa sông, 50 km kè bị hư hỏng; 88 điểm sạt lở bờ biển với tổng chiều dài là 141 km. (Theo thứ trưởng bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Nguyễn Hoàng Hiệp trả lời VnExpress ngày 28/11/2020, về thiệt hại, bài học trong mưa lũ miền Trung, kế hoạch tái thiết sản xuất ).

Thiên tai, bão lũ, sạt lở và thay đổi bờ biển làm gia tăng mức độ rủi ro cho các đô thị, cho nghành kinh tế mũi nhọn của khu vực ven biển là du lịch, cho an sinh và an toàn của người dân; Đe dọa đến môi trường ở, nhà ở và tài sản của người dân (mà phần lớn trong số đó là nghững người nghèo, thu nhập không ổn định); Đe dọa các cơ sở thiết yếu về y tế, giáo dục, giao thông, nước sạch, điện và vệ sinh môi trường.

Vấn đề đặt ra trước hết là cần phải đảm bảo an toàn cho phát triển dân sinh; Ổn định sinh kế của người dân. Cần phải ứng xử đối với các không gian hoạt động phát triển kinh tế/ không gian phát triển đô thị, quần cư dựa vào các vùng sinh thái ven biển/vùng dễ bị tổn thương do sạt lở, lũ quét như thế nào? Các nghiên cứu, cảnh báo thiên tai, BĐKH (vùng lũ lụt, vùng sạt lở, lũ quét…) được lồng ghép trong các quyết sách về tổ chức quy hoạch phát triển dân cư, phát triển đô thị, phát triển kinh tế ra sao? Các Quy chuẩn/tiêu chuẩn an toàn, hướng dẫn kỹ thuật khi thiết kế kiến trúc, sử dụng công nghệ vật liệu, phương pháp xây dựng cho các công trình nhà ở, cơ sở hạ tầng cần được triển khai áp dụng như thế nào?…

Trước bối cảnh đó, với trách nhiệm của giới KTS, cần thiết phải tập hợp các nghiên cứu, các kinh nghiệm, các giải pháp sáng tạo của các tổ chức, cá nhân về Tổ chức không gian sống; Thiết kế Kiến trúc (Nhà ở và hạ tầng cơ sở thiết yếu); Sử dụng công nghệ và vật liệu xây dựng đến từ các lĩnh vực (Bộ Nông nghiệp phát triển nông thôn, Bộ Xây dựng, các viện nghiên cứu VIUP, VIAR, UIA, World Bank, tổ chức xã hội Quỹ Sống, Chính quyền các địa phương và cộng đồng gặp rủi ro bởi thiên tai….). Qua đó, kết nối các tổ chức và cá nhân trong xã hội, cùng chung tay đề xuất/tập hợp những nhóm giải pháp hiệu quả, hỗ trợ cho cộng đồng có khả năng chống chịu/ứng phó/giảm thiểu tối đa các bất lợi do thiên tai gây ra.

Hội thảo với chủ đề “Kiến trúc ứng phó với thiên tai” trong chương trình Gặp gỡ mùa thu thường niên của năm 2020, được tổ chức vào ngày 11/12/2020 sẽ hướng tới các mục tiêu trên.   

                                 

 Kiến trúc sư Lã Kim Ngân
Viện kiến trúc-Hội kiến trúc sư Việt Nam

 

Kỷ yếu Hội thảo Gặp gỡ mùa thu 2020

ky-yeu-GGMT-2020

Viện Kiến trúc.