CÔNG TY CỔ PHẦN INNO VÀ KINH NGHIỆM TRIỂN KHAI BIM

30/12/2021 bởi adm@adm

GIỚI THIỆU VỀ CÔNG TY CỔ PHẦN INNO

Thành lập từ 2008, trải qua 13 năm phát triển, công ty CP INNO với gần 300 cán bộ làm việc tại TP Hà Nội và TP HCM cùng với khoảng 200 cán bộ tại 10 công ty liên kết (các công ty INNO tham gia sáng lập và góp cổ phần), INNO tự hào là một trong những công ty tư vấn có quy mô lớn tại Việt Nam và là doanh nghiệp luôn ưu tiên trong việc ứng dụng BIM đối với công tác thiết kế.

Các cán bộ của công ty CP INNO đã tham gia thực hiện rất nhiều công trình trọng điểm có quy mô và mức độ phức tạp cao. Cuối năm 2019 INNO đã hoàn thành việc đào tạo BIM cho 300 cán bộ, hiện nhân sự có khả năng thực hiện BIM đồng bộ ở các bộ môn: kiến trúc, kết cấu, cơ điện, hạ tầng, Phòng cháy chữa cháy. Hiện tại INNO cũng sở hữu bản quyền viết riêng cho khoảng 50 phần mềm hỗ trợ thực hiện BIM.

INNO là đơn vị tư vấn được CĐT Vingroup tín nhiệm yêu cầu thực hiện các công việc triển khai thí điểm BIM như các dự án: Vincity Ocean Park (làm đến BIM5D), Văn phòng trụ sở Vinfast… Đến nay đa số các HĐ thực hiện tại INNO đều có ứng dụng BIM.

Một số dự án của INNO ứng dụng BIM

Mô hình BIM Thủy cung The Seashell Vinwonders Phú Quốc

Với triết lý hoạt động: “Dịch vụ tư vấn thiết kế là một quá trình cung cấp dịch vụ với sựcam kết song hành cùng khách hàng từ đầu đến cuối trong mọi hoàn cảnh”, đến nay Công ty CP INNO được sự tín nhiệm của các khách hàng đã tham gia thiết kế nhiều dự án lớn và trở thànhđối tác chiến lược, tin cậy của các Tập đoàn lớn như: Vingroup, Sungroup, BRG,T&T, Doji, FLC, Bitexco, MIK,…

KHÓ KHĂN GẶP PHẢI VÀ MỘT SỐ KINH NGHIỆM KHẮC PHỤC

  1. Khó khăn trong việc đào tạo cán bộ:

INNO hiểu rất rõ việc cả công ty cùng chuyển đổi để cùng sử dụng BIM là việc đặc biệt khó, quá trình này chắc chắn không tránh được những ảnh hưởng không hề nhỏ đến các kế hoạch hoạt động, sản xuất của toàn công ty.

Về vấn đề nhân sự, các cán bộ thường ngày vốn đã phải nỗ lực để hoàn thành khối lượng công việc lớn giờ sẽ phải thu xếp thêm thời gian để tham gia và hoàn thành các bài tập của khóa học BIM, việc này lại càng khó khăn với những cán bộ nòng cốt do công việc bận nên càng phải nỗ lực nhiều hơn nữa. Thời gian đào tạo hệ thống nhân sự vốn đã quen với việc thực hiện theo các cách làm truyền thống đến khi thực hiện được dự án bằng BIM khá lâu, có khi mất cả năm trời, đặc biệt khó khăn khi các dự án đang thực hiện đến giai đoạn tăng tốc, tiến độ gấp gáp.

Có thể kể đến hàng tá các khó khăn khác mà các kiến trúc sư, kỹ sư INNO đã phải đổi mặt, không ít lần hạ quyết tâm, đề ra kế hoạch chuyển đổi để rồi lại điều chỉnh, quyết tâm thực hiện đào tạo, chuyển đổi nhưng chỉ được một thời gian lại bị gián đoạn.

Để thực hiện việc này công ty không đào tạo diện rộng, tập trung chú trọng phát triển một nhóm trọng điểm, nghiên cứu chuyên sâu, ứng dụng sản xuất thực tế thông qua đó phát hiện và giải quyết các vấn đề vướng mắc. Từ một nhóm phát triển lên, tách thành 2 nhóm rồi 3 nhóm, sau đó chuyển nhân sự từ các nhóm BIM tới các nhóm khác. Song song với việc phát triển chuyên sâu là đào tạo trên diện rộng. Cuối năm 2019 INNO yêu cầu mọi cán bộ, nếu không thi qua bài kiểm tra bắt buộc tại công ty sẽ phải rời khỏi công ty. Các nhóm hoàn thành việc chuyển đổi sẽ được thưởng.

  1. Khó khăn trong việc ứng dụng sản xuất:

Ban đầu còn ít Chủ đầu tư quan tâm tới BIM nên nguồn việc thực hiện BIM còn hạn chế, INNO đã phải kiên trì thuyết phục, đào tạo, hỗ trợ CĐT cùng làm BIM. Hiện tại nhận thức của các CĐT đã có nhiều thay đổi về BIM, tuy nhiên các đối tác, nhà thầu tham gia thực hiện dự án hầu hết vẫn làm việc trên nền tảng phần mềm AUTOCAD truyền thống nên việc thực hiện BIM vẫn phải đáp ứng cho cả những đối tượng sử dụng CAD. Việc này càng trở nên khó khăn với các công trình vừa thiết kế vừa thi công và thường xuyên thay đổi. Đa số các CĐT mới dừng ở bước tiếp nhận BIM chứ chưa thực hiện BIM do BIM là thay đổi cách làm, việc dỡ bỏ các hệ thống xây dựng cũ để thay thế bằng các hệ thống mới, quy trình mới cần thời gian và chưa phải CĐT nào cũng sẵn sàng thực hiện.

Việc thực hiện BIM giúp chất lượng hồ sơ có sự khác biệt rõ rệt tuy nhiên thời gian thiết kế để tạo ra sản phẩm cũng tăng hơn nhiều trong khi mức chi phí khách hàng chấp nhận bỏ ra không thay đổi nhiều. Việc này khó có thể thay đổi trong thời gian ngắn tuy nhiên hiện INNO đang kiên trì thực hiện BIM dựa trên một số quan điểm và bước đầu đã có những tín hiệu tích cực:

– Thực hiện BIM để nâng cao chất lượng sản phẩm, khi đã nâng cao được chất lượng, khẳng định được uy tín & được thị trường biết đến sẽ có nhiều lựa chọn tốt hơn và sẽ nâng cao được giá trị thiết kế.

– BIM là yếu tố quan trọng trong quá trình chuyển đổi số của doanh nghiệp, và là nền tảng để có thể khai thác công nghệ trong việc hỗ trợ, nâng cao năng suất và phát triển quy mô doanh nghiệp.

Một trong những khó khăn khác đó là sự thiếu hụt các cán bộ Quản lý BIM có đầy đủ kiến thức về BIM và nghiệp vụ chuyên môn. Việc hiểu biết giữa các bên khác nhau dẫn đến mất nhiều thời gian tranh luận cho việc yêu cầu sản phẩm và nghiệm thu sản phẩm đối với từng giai đoạn. Giai đoạn nào sản phẩm BIM cần phát triển đến mức độ nào với độ chính xác yêu cầu như thế nào. Đối với các dự án vừa thiết kế vừa thi công thì các trao đổi này càng trở nên phức tạp. Đôi khi thời gian dành cho việc trao đổi, tranh luận lớn hơn khá nhiều thời gian các bên dành cho việc thực hiện. Việc này gây không ít khó khăn và càng gia tăng mức độ thiếu hiệu quả khi áp dụng BIM trong công tác thiết kế. Hiện tại để khắc phục vấn đề này, một mặt INNO tiến hành có chọn lựa mức độ phát triển BIM đối với từng mục tiêu thực hiện BIM và phù hợp với năng lực quản trị của các bên liên quan, mặt khác vẫn tiếp tục kiên trì đào tạo và trao đổi với các bên để cùng xây dựng được các quy định vừa phù hợp vừa hiệu quả.

  1. Khó khăn trong việc cân bằng giữa phát triển bền vững và hiệu quả

Để tổng kết quá trình thực hiện BIM của INNO tới nay có thể gói gọn trong vấn đề này. Thực tế việc đầu tư thực hiện và phát triển BIM sẽ không thể phát huy hiệu quả ngay trong ngắn hạn mà cần có tầm nhìn tối thiểu khoảng 5 năm hoặc thậm chí lâu hơn. Việc này đôi khi sẽ khiến các thành viên trong công ty không tránh khỏi nghi ngờ vào mục tiêu và khả năng mang lại hiệu quả của chương trình để đáp ứng các nhu cầu vật chất trước mắt. INNO cũng đang phải tìm hướng kết hợp với các đơn vị liên quan để nâng cao hiệu quả thực hiện BIM trong việc khai thác các giá trị gia tăng từ thông tin mô hình.

Lời kết:

Câu chuyện về phát triển BIM tại INNO mặc dù tới nay cũng đã có được một số thành tựu nhất định nhưng để phát triển tiếp cũng vẫn còn phải tiếp tục đầu tư, nghiên cứu và thử nghiệm các hướng mới, do vậy thông qua buổi trao đổi và tọa đàm INNO hy vọng có thể chia sẻ các bài học của mình cũng như nhận được các góp ý từ cộng đồng đặc biệt là từ các đồng nghiệp, các chuyên gia có nhiều năm nghiên cứu trong lĩnh vực này.

 

KTS Nguyễn Tuấn Ngọc

Phó Viện trưởng Viện Kiến trúc – Hội Kiến trúc sư Việt Nam

Phó Chủ tịch HĐQT Công ty CP INNO

(Bài đăng trong kỷ yếu Hội thảo Gặp gỡ mùa thu 2021)